Minh họa: VIỆT ANH Sáng sớm, ông thái dương vừa ló cái chỏm tóc lên khỏi ngọn núi, bản Thăm Khon đã rục rịch tiếng lũ trẻ gọi nhau đi học. Mấy đứa lao xao ngoài rặng mây: - Triệu ơi, đi chưa? Triệu ném củ sắn moi từ trong đống than ủ vào miệng cái túi xách, chào ba má: - Con chào cha, con chào mẹ con đi học ạ! Tiếng chào vừa chạm tai người lớn, bước chân thằng Triệu đã thoăn thoắt cùng chúng bạn ngoài dốc bản. Bản Thăm Khon của người Dao nhấp nhô ẩn hiện trong lớp sương bảng lảng. Lũ trẻ đi trong lớp sương móc ấy như những con chim liếu điếu. Những tia nắng vàng ươm bắt đầu xuyên qua những hạt sương lí tí, đẩy những hạt sương mong manh lên cao hơn, và rồi mất hút trên bầu trời, để lộ ra một khoảng không xanh tươi tỏa khắp núi rừng. Bỗng thấy mát cái mặt. - Mưa xuân về đấy! Tiếng con bé Hoài hét vang trên đỉnh dốc. Cả đám con trai đi dưới chân dốc đều ngẩn ra không hiểu cái Hoài nói gì. Mưa xuân là thế nào? Giờ đang còn là mùa đông. Đang có những tia nắng đẹp thế này. Chúng nhìn xuống đường, thấy sỏi nhấp nhánh nước. Mắt nhìn ngước lên thấy những hạt nước lí tí đang phả xuống. Nhưng đó chỉ là những giọt sương mai mà thôi. Con Hoài đứng chờ đám bạn trên dốc, cười toét miệng: - Vì tớ thấy giống mưa xuân mà. Tớ sẽ làm một bài thơ đề tặng mẹ. Tên bài ấy là "Hạt mưa nhỏ". Triệu khoe: - Tao đã làm xong bài thơ cô giáo giao rồi đấy. Tao không chép ở trong báo Thiếu niên đâu. Đích tay tao làm. Cái đầu tao nghĩ ra. Cả lũ bạn nhao nhao: - Cho xem nào. Cho xem không cóp đâu. Con Hoài thì quay mặt dỗi: - Cô giáo đã bảo nhiều lần không được xưng hô mày tao mà. Triệu quệt mũi, cười hì: - Nhưng quen rồi. Tao mà xưng tớ thì tao muốn ốm. Cả mấy thằng bạn quyết định nhờ Hoài và Triệu: - Bọn tao chưa biết phải làm thế nào. Nếu bữa nay cô bắt nộp thơ với bài viết tự chọn thì làm sao đây? Hai đứa chúng mày giỏi văn, mỗi đứa góp cho chúng tao vài bài. Đổi lại một bài, chúng tao sẽ kiếm cho cái gùi măng với cái bọc mật thật ngon. Triệu với Hoài đều biết tại sao chúng bạn phải nhờ như thế rồi. Ai đấy cứ thử đến bản Thăm Khon ở dài dài trong bản mà xem? Bao nhiêu là cám dỗ thích hơn dễ hơn học cái chữ nhiều, huống chi là còn phải làm thơ với viết câu văn hay. Nà kéo nhau lên rừng kiếm măng. Có khi gặp được cả một bọc mật ong nghệ ươm thơm ngậy. Này đi bới củ mài, vùi củ mài xuống đống than ủ, rồi chia nhau chén. Nè đi bẫy thia lia, mòng đong... Nếu gặp rắn thì cũng chẳng có gì mà sợ như bị cô giáo gọi lên soát bài. Có khi chúng còn thò tay túm lấy cái cổ rắn cho cái mang con rắn bạnh ra mà con rắn không thể quay cổ để mổ vào tay, đuôi con rắn cứ thia thia quật vào không khí mà không làm gì được. Trong rừng còn có gì để sợ nhỉ? Chẳng có gì nữa, vì gấu đã từ lâu không thấy xuất hiện trong khu rừng già của vùng này nữa. Còn hổ thì càng như một dĩ vãng xa vời của núi của rừng. Vậy nên chúng bạn mới nhờ cậy hai đứa học giỏi nhất lớp như thế. Hoài hỏi Triệu: - Có nhận lời không? Triệu bảo: - Tao nhận lời. Làm thơ với viết văn dễ ợt. Chứ măng với mật ong giờ khó kiếm, lấy đâu ra nhiều. Ai cũng lên rừng kiếm măng về, rừng sắp hết cái để cho rồi đó. Hoài băn khoăn: - Vậy có nên lấy những thứ đó nữa không? Triệu quả quyết: - Có chứ. Rồi rừng lại sinh ra mới chứ. Tao định rủ mày đi thăm mấy đứa mồ côi ở trong cái làng trẻ mồ côi bên kia dốc. Cũng phải có quà gì cho chúng nó. Hoài vẫn băn khoăn: - Nhưng liệu cô giáo có phê bình chúng mình làm hộ chúng nó không? Triệu quệt mũi, suy nghĩ: - Hay chúng mình mỏng với cô giáo. Thể nào cô cũng cho chúng mình vào nhóm làm báo tường tuần này. Tao sẽ xin cô tổ chức một buổi lên rừng cho cả lớp, rồi lấy chiến lợi phẩm mang đến cho trẻ mồ côi. Con Hoài oắt: - Được rồi. Tớ sẽ cùng báo cáo với cô giáo nhé. Chúng mình sẽ làm một tờ báo thật hay, thật đẹp. Sau đó chúng mình làm cho cả những em nhỏ trong làng mồ côi nữa. Đến chủ nhật thì chúng mình sẽ cùng các bạn đi rừng. Suốt buổi học hôm đó, cả hai đứa đều rất vui. Chúng ngồi nghe giảng chú tâm, xung phong phát biểu mấy lần. Nhưng tuồng như những khuân mặt chung quanh cũng không kém vui vẻ rỡ ràng. Vì chúng đã nhờ được Triệu và Hoài một việc vô cùng quan yếu. Sáng chủ nhật tuần đó, dân bản Thăm Khon thấy lũ trẻ cùng cô giáo chủ nhiệm mặc những bộ xống áo đi rừng, vai đeo gùi và dao bước nhấp nhô trong sương. Nắng đã lên nhưng sương chưa tan. Những vầng mây ánh lên sắc hồng nhấp nhánh. Cũng có người còn nhìn thấy thằng Triệu đứng lại bên gốc cái cây si ngay đỉnh dốc đầu bản để so chiều cao. Nó kiễng kiễng đôi chân, nhưng rõ ràng nó cao chưa đến nách cái cành si nhỏ. Con Hoài lấy thước đo được năm lần thước, gật gù: - Cao thêm được ba phân rồi. Cậu sắp thành người lớn rồi đấy. Tớ sẽ tập thể dục hằng ngày để nhanh cao như cậu. Rồi chúng cùng chạy để đuổi kịp chúng bạn và cô giáo đang đi khuất sau lớp sương hồng. Tiếng của chúng ríu ran như những con chim liếu điếu trốn sau những nách lá. Những con chim ấy đã trốn sau những nách lá rồi mà thèm ca hát đến độ không giấu nổi lảnh lót. |
Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013
Liếu điếu trên đỉnh dốc Thăm Khon - Truyện ngắn của VÕ THỊ XUÂN cung cấp HÀ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét